Đường thủy nội địa: Đầu tàu chiến lược phát triển GTVT
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, vận tải đường thủy nội địa (ĐTNĐ) của Việt Nam có tỷ lệ đảm nhận vận chuyển hàng hóa nội địa cao hơn nhiều so với Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU (trừ Hà Lan). WB cũng đánh giá vận tải ĐTNĐ của Việt Nam đang hoạt động tốt với các dấu hiệu tăng trưởng và chuyển biến đáng khích lệ.
Năng lực lớn nhưng thị phần… nhỏ
Từ xưa đến nay, GTVT ĐTNĐ góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Với tài nguyên hạ tầng dồi dào, ĐTNĐ là hình thái giao thông thế mạnh của Việt Nam, đồng thời được xem là “đầu tàu” trong chiến lược của ngành GTVT.
Hiện nay, cả nước có 3.551 sông, kênh… với tổng chiều dài 80.577km, nối với biển thông qua 124 cửa sông, trong đó có khoảng 42.000km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải. Cùng với đó là hơn 3.260km bờ biển, hàng trăm kilomet tuyến nối từ bờ ra đảo, nối các đảo trong vùng nội thủy đã và sẽ tổ chức quản lý, khai thác vận tải thủy nội địa.
Theo thống kê của Cục ĐTNĐ Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2018, khối lượng vận tải hàng hóa đạt tốc độ tăng trưởng 9,23%/năm; thị phần khối lượng vận tải đạt 17,63%; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 8,73%. Riêng trong năm 2018, thị phần khối lượng luân chuyển hàng hóa ĐTNĐ chiếm 19,93% toàn Ngành.
Nếu xét theo chỉ tiêu thống kê tổng hợp cả nước thì thị phần luân chuyển của vận tải ĐTNĐ là 19,93%, thấp hơn đáng kể so với 27,22% là thị phần đảm nhận luân chuyển của vận tải đường bộ. Tuy nhiên, nếu chỉ so sánh tại các vùng có vận tải ĐTNĐ phát triển như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long thì thị phần đảm nhận luân chuyển của vận tải ĐTNĐ cao hơn vận tải đường bộ khá nhiều.
Cụ thể, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên ĐTNĐ so với đường bộ ở khu vực đồng bằng sông Hồng chiếm 27,8%, khu vực Đông Nam bộ chiếm 14%, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 69,7%. Khối lượng luân chuyển hàng hóa của ĐTNĐ so với đường bộ ở khu vực đồng bằng sông Hồng chiếm 69,7%; khu vực Đông Nam bộ chiếm 56,8%, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 73,0%.
Theo số liệu thống kê chính thức, vận tải ĐTNĐ chuyên chở khoảng 288,8 triệu tấn/năm với cự ly vận chuyển trung bình 211km, trong khi vận tải đường bộ vận chuyển 1.261,7 triệu tấn/năm nhưng cự ly vận chuyển trung bình chỉ khoảng 66km, bằng khoảng 30% cự ly vận chuyển bình quân của vận tải ĐTNĐ.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện nay ĐTNĐ vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có bởi nhiều tồn tại, hạn chế. Nổi bật trong đó là vận tải container tuy có hiệu quả rất cao nhưng chưa được nhiều doanh nghiệp vận tải thủy tham gia thực hiện, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc. Đồng thời, việc kết nối các phương thức vận tải chưa thuận lợi, thiếu đồng đều gây ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, hạ tầng cảng, bến hiện thiếu đầu tư, nâng cấp hoặc có quy mô chưa tương xứng cũng như phân bổ chưa tập trung…
“Điểm sáng” vận tải ven biển
Từ khi chính thức được vận hành (tháng 7/2014), tuyến vận tải ven biển (Quảng Ninh – Quảng Bình – Bình Thuận – Kiên Giang) đã ngay lập tức trở thành “điểm sáng” của ngành ĐTNĐ. Với sức tăng trưởng “phi mã”, đây được xem là cuộc cách mạng của vận tải thủy, giảm tải cho vận tải đường bộ trên cùng hành lang vận tải.
Theo thống kê sau 5 năm triển khai, tổng khối lượng vận chuyển đạt 94.789.673 tấn, tính bình quân số hàng hóa đã chuyên chở đạt 1,788 triệu tấn/tháng (tương đương 89,4 nghìn xe ô tô/ tháng); đã có 88.348 lượt tàu sông pha biển (VR-SB) vào, rời các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, khối lượng vận chuyển đạt 16.567.616 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 141%/ năm.
Theo đánh giá của Cục ĐTNĐ Việt Nam, tuyến ven biển đáp ứng ngày càng tốt hơn kết nối cảng biển thông qua cảng thủy nội địa, đặc biệt là tới cảng Cái Mép – Thị Vải. Hoạt động vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải ven biển (Bắc – Nam) đã góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ trên cùng hành lang vận tải.
Sản lượng vận chuyển ven biển đang tăng ổn định với tốc độ tăng trưởng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội các vùng miền và giảm tải trên các tuyến đường bộ trên trục vận tải Bắc – Nam.
Thời gian qua, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông ĐTNĐ và quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy, các văn bản QPPL đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời, phần nào góp phần tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi cho sự phát triển vận tải ven biển nói riêng và hoạt động vận tải thủy nói chung.
Để tiếp đà phát triển, trong thời gian tới Cục ĐTNĐ Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển, trong đó có việc rà soát các quy định Quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện để sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với Quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển (COLREG 72) như: Quy tắc hành trình và điều động; đèn và các dấu hiệu; vị trí, đặc tính, chủng loại, yêu cầu về kỹ thuật… tín hiệu âm thanh và ánh sáng.
Cùng với đó, Cục sẽ tiến hành rà soát các quy định về phòng ngừa ô nhiễm môi trường của phương tiện VR-SB khi hoạt động trên tuyến ven biển; sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu, chưa phù hợp với Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL) mà Việt Nam là thành viên; quy định lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ về điều tra tai nạn đối với phương tiện VR-SB xảy ra trên tuyến ven biển; quy định đơn vị đầu mối xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử bao gồm các thông tin về phương tiện và thuyền viên để chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị và phối hợp kiểm soát hoạt động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn kỹ thuật và thuyền viên làm việc trên phương tiện VR-SB…